Giải Quyết Vấn Đề Việc Làm

Giải Quyết Vấn Đề Việc Làm

“Cần câu” cho người dân vùng khó

“Cần câu” cho người dân vùng khó

Vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia đã đưa ra những biện pháp thiết thực, hữu hiệu để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ô nhiễm không khí đe dọa hầu như toàn bộ cư dân sống trong những thành phố lớn trên thế giới, khiến 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Theo Fox News, 80% thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí sạch. Tổ chức này cho biết, mức độ ô nhiễm không khí toàn cầu gia tăng dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về bệnh hô hấp ngày càng thêm nghiêm trọng.

Tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại, trở thành vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm rộng lớn của các cộng đồng xã hội. Để đối mặt với tình trạng này, nhiều quốc gia đã đề ra cho mình những kế hoạch nhằm đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho người dân cũng như chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại. Đẩy lùi ô nhiễm không khí chính là mở ra cánh cửa tương lai cho con người.

Là một quốc gia đông dân nhất Châu Âu, Pháp cũng hứng chịu nhiều tác hại từ ô nhiễm, nhất là ô nhiễm không khí. Chính phủ đã nhận được những báo cáo hết sức quan ngại từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề sức khỏe người dân đang dần suy giảm rõ rệt. Trước tình trạng đó, chính phủ đã có những động thái hết sức thiết thực để cải thiện nguồn không khí.

Từ năm 2004, Pháp đã phê duyệt kế hoạch khí hậu đầu tiên nhằm đề ra những phương án giải quyết tình trạng ứ đọng một lượng lớn không khí ô nhiễm ở thủ đô Paris. Từ đó trở đi các biện pháp liên tục được đề ra và áp dụng. Đến năm 2017, Pháp cho thành lập vùng phát thải thấp để đánh dấu bước ngoặt đầu tiên cho quá trình cải thiện thành một quốc gia “sạch”. Năm 2018, chính phủ đã đặt ra những mục tiêu về tiêu chuẩn không khí cho các mốc thời gian quan trọng như thế vận hội OLYMPIC.

Đến nay, các biện pháp hữu hiệu mà quốc gia này đã áp dụng có thể kể đến như giảm lưu lượng xe lưu thông trong thành phố, đánh số từ 1 đến 5 cho mức độ phát thải của các phương tiện, ưu tiên giao thông công cộng và đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên cho người đi xe đạp và đi bộ.

Cộng với việc chính phủ tích cực truyền thông về môi trường trong suốt nhiều năm liền đã giúp giảm lượng khí thải của các phương tiện giao thông, khí đốt của các lò sưởi và rác thải cũng giảm rõ rệt, người dân chuyển sang phương tiện công cộng nên các phương tiện cá nhân không còn cơ hội xả thải nữa. Những biện pháp kịp thời trên đã giúp quốc gia này thoát khỏi bảng xếp hạng các quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Trong năm 2018, 65 thành phố của Đức có nồng độ khí thải Ni-tơ Đi-ô-xit (NO2) vượt quá mức cho phép của Liên minh châu Âu (EU). Đây là loại khí được coi là nguyên nhân khiến hàng nghìn người tử vong sớm mỗi năm tại Đức.

Bởi vậy, vào tháng 10/2016, Hội đồng liên bang Đức đã thông qua nghị quyết yêu cầu cấm hoàn toàn động cơ đốt trong vào năm 2030. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải nước này công bố chương trình Không khí sạch hơn - "Cleaner Air" để hạn chế khí thải từ các ô tô sử dụng động cơ chạy bằng dầu diesel tại 14 thành phố ô nhiễm nhất tại nước này.

Theo kế hoạch, các chủ xe sẽ được hỗ trợ nâng cấp xe cũ hoặc mua xe mới có hệ thống xử lý khí thải phù hợp với tiêu chuẩn. Là 1 trong 4 quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, việc chính phủ Đức đã “mạnh tay” loại bỏ các phương tiện chạy bằng dầu diesel được cho là hành động “dũng cảm” và là “tấm gương” cho nhiều đô thị.

Đối với công tác quản lý ô nhiễm không khí, dù có phân cấp quản lý theo từng nguồn phát thải, nhưng tại mỗi thành phố của Đức đều có một cơ quan chuyên trách về ô nhiễm không khí. Ông Patric Buker- Chuyên gia về ô nhiễm không khí của Đức cho biết:

"Cơ quan quản lý chung về ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống quan trắc độc lập cung cấp các chỉ số ô nhiễm theo thời gian thực, không bên nào có thể can thiệp tác động vào kết quả quan trắc, không ai điều chỉnh máy đó. Đây cũng là cơ quan thực thi pháp luật, đưa ra các cảnh báo, các thông tin, chính sách một cách thống nhất và kiểm soát các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng ô nhiễm không khí".

Ô nhiễm không khí, và đặc biệt bụi mịn PM2.5 cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Mỹ hiện nay. Năm 2018 được đánh giá là năm độ bụi mịn đạt thấp trong vòng 2 thập kỷ. Kết quả này có được là nhờ những chính sách, giải pháp được Mỹ thực hiện trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Từ năm 1947, Bang California đã thông qua chính sách pháp luật về không khí đầu tiên. Đến năm 1970, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và ban hành Luật Không khí sạch. Sau 2 lần sửa đổi, Luật không khí sạch năm 1990 đã đánh dấu một sự thay đổi tổng thể với các mục tiêu nhằm nâng cao sức khỏe con người và phúc lợi công cộng.

Với vị thế là một quốc gia thân thiện với môi trường nhất trong khu vực Đông Nam Á, Singapore luôn từng bước hoàn thiện những biện pháp xử lý môi trường của mình. Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, do quốc gia này đã thực hiện liên tiếp nhiều biện pháp bảo vệ môi trường cùng một lúc nên chất lượng không khí cũng được cải thiện rõ rệt.

Chính phủ Singapore đặt ra những biện pháp nghiêm ngặt về môi trường và bắt buộc người dân phải tuân thủ, kể cả khách du lịch hay những chính khách đến thăm nơi đây. Nhờ vào nguồn ngân sách dồi dào làm hậu thuẫn nên các công nghệ cao đều được áp dụng vào việc bảo vệ môi trường như trang bị nhiều máy lọc không khí khổng lồ, hệ thống xử lý rác thải không tạo ra khí đốt và bụi, các vật liệu tái chế thân thiện với môi trường dần thay thế nhựa và ni lông.

Nhờ những biện pháp đó và chính sách Quan hệ đối tác “tư nhân, công cộng, nhân dân” đã góp phần đưa môi trường sống tại Singapore lên top đầu thế giới.

Từng nằm trong danh sách quốc gia có thủ đô ô nhiễm không khí bậc nhất nhưng Thái Lan đã nhận ra tác hại và có những điều chỉnh đáng khích lệ để cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Chính phủ đã ban hành luật kiểm soát khí thải đối với các phương tiện cá nhân và các nhà máy công nghiệp. Đồng thời ban hành luật quản lý giao thông để hạn chế lưu lượng xe cộ đổ dồn về thủ đô Băng Cốc và tình trạng kẹt xe kéo dài trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó chính phủ còn cho nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ cho phương tiện công cộng. Ủng hộ và tuyên truyền cho người dân sử dụng xe bus, xe đạp, đi bộ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng không khí ngày càng được cải thiện cộng thêm việc sử dụng những máy lọc không khí cỡ lớn đã giúp đất nước Thái Lan thoát khỏi bảng danh sách tệ hại về ô nhiễm không khí.

Cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á mắc phải tình trạng ô nhiễm không khí, Indonesia đã phấn đấu để vận động toàn thể người dân áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường tốt nhất nhằm cải thiện cuộc sống cho chính mình. Chính phủ thúc đẩy người dân tái chế những vật liệu có thể sử dụng nhiều lần để giảm thiểu việc sản xuất các vật liệu nhựa, ni lông. Hạn chế đốt rác và dùng than củi để giảm thiểu lượng khói bụi tích tụ trong không khí. Chính phủ đánh thuế vào lượng rác thải để người dân biết tự phân loại rác và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Bên cạnh những động thái tích cực ở thành thị thì chính phủ Indonesia còn phân chia những dự án phát triển ra nhiều vùng nông thôn. Phân tán sự tập trung đông đúc của dân cư và các nhà máy để chất lượng không khí được giữ vững ở mức tốt nhất có thể. Bước chuyển đổi này đã mang lại kết quả tích cực cho chất lượng không khí ở quốc gia này.